-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bỏ Túi 7 Món Ăn Từ Gừng Giúp Phòng Bệnh, Nâng Cao Đề Kháng Trong Mùa Dịch
Thứ Tư,
21/07/2021
Đăng bởi: Nhã
Nhắc tới gừng, chúng ta thường nghĩ tới một loại củ có tính cay nóng và thích hợp để nêm nếm các món ăn ngày lạnh. Thế nhưng, thực tế củ gừng có thể chế biến thành những món ăn trong cả 4 mùa đấy. Cùng khám phá ngay 7 công thức nấu ăn từ củ gừng cho cả gia đình trong mùa dịch này nhé!
1. Gà kho gừng
Giá gà đang rẻ, lưu trữ thịt gà để làm món gà kho gừng thơm mềm, ngọt đậm đà quyện với vị cay nồng vừa đủ từ những lát gừng thì còn gì bằng. Món này mà ăn kèm với cơm nóng thì ngon tuyệt cú mèo đó!
Để thực hiện món ăn này, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:
Thịt gà: 700g
Gừng: 1 củ nhỏ (khoảng 50g)
Gia vị: Nước mắm, hạt tiêu, hành tím, bột ngọt
Cách làm:
Đầu tiên, bạn cần sơ chế thịt gà bằng cách rửa sạch với nước muối loãng (hoặc rượu trắng) để khử mùi hôi. Sau đó, chặt thành các miếng nhỏ vừa ăn.
Ướp thịt gà với nước mắm, hạt tiêu, hạt nêm rồi để khoảng 20 – 30 phút cho gia vị ngấm đều vào các miếng thịt.
Băm nhỏ hành tím, gừng cắt thành sợi dài mỏng. Phi thơm hành tím và gừng. Kế đến cho gà vào đảo đều. Chú ý để lửa nhỏ không gà sẽ bị cháy ngoài sống trong và khô. Đợi khi thịt gà chín săn lại thì bạn châm thêm nước lọc vào và hầm.
Đun tới khi nước gà sệt sệt lại, thịt gà mềm thì tắt bếp và thưởng thức.
2. Mứt gừng
Mứt không chỉ tết mới được ăn đâu nhé! Món ăn này vô cùng đơn giản, không cần cầu kỳ. Chỉ cần chuẩn bị 2 loại nguyên liệu là gừng tươi và đường cát trắng bạn đã có thể thực hiện rồi đó.
Nguyên liệu:
Gừng: 500g
Đường cát trắng
Cách chế biến:
Rửa sạch gừng để loại bỏ bụi bẩn bên ngoài, kế đến gọt vỏ và cắt thành lát hình tròn.
Ngâm gừng với nước lạnh, sau đó đun cùng nước sôi khoảng 30 phút để giảm bớt vị cay.
Trộn đều lượng gừng vừa đun sôi với đường. Sên mứt gừng ở lửa nhỏ, đảo đều tay cho tới khi đường tan và kết dính trên miếng gừng là được.
Chỉ với những bước cực dễ như vậy, bạn đã có món mứt gừng cực ngon mà lại ấm bụng, đến trẻ con cũng thích ăn đó.
3. Bò kho gừng
Tương tự như món thịt gà kho gừng thì bò kho gừng cũng là một món bổ sung dinh dưỡng tuyệt vời cho cả nhà trong mùa dịch này nhé.
Nguyên liệu:
Thịt bò nạm: 500g
Gừng: 100g
Gia vị: tỏi, nước mắm, hạt tiêu, đường
Cách chế biến:
Khử mùi hôi thịt bò và tránh bị nhiễm sán bằng cách rửa với muối loãng.
Cạo sạch vỏ gừng, một phần thái sợi và một phần đập dập.
Tỏi bóc vỏ rồi băm nhuyễn.
Ướp thịt bò với nước mắm, hạt tiêu, tỏi và gừng băm nhỏ khoảng 30 phút để ngấm gia vị.
Phi thơm tỏi và gừng thái sợi, sau đó cho thịt bò vào đảo cùng khoảng 5 phút, khi thịt săn lại thì thêm đường. Cho nước lọc ngập phần thịt bò, tiếp tục đảo khoảng 3 phút rồi đun lửa liu diu, tới khi sôi và thử thịt bò mềm thì tắt bếp.
4. Nước sấu ngâm gừng
Sấu là một món vô cùng phổ biến vào mùa hè ở mọi vùng tổ quốc. Nhưng sấu ngâm đường chỉ có tác dụng giải khát còn sấu ngâm đường gừng lại là món ngon không kém và vô cùng tốt cho sức khỏe đó. Những quả sấu giòn giòn thấm vị ngọt của đường, xen lẫn vị cay nhẹ từ gừng, thử một lần cũng khiến bạn nhớ mãi!
Nguyên liệu:
Quả sấu: 1kg
Gừng: 50g
Đường vàng hoặc đường trắng nếu không có đường vàng
Cách chế biến:
Rửa sạch sấu, cạo vỏ rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 1 tiếng. Tiếp theo khía quả theo hình xoắn ốc để đường ngấm vào nhanh hơn khi ngâm sấu.
Bắc sấu lên nồi đun chín tới độ chuyển màu vàng thì tắt bếp, vớt ra.
Đun nước đường cho tan rồi thả gừng đã sơ chế vào, đun khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Khi nước đường nguội, hòa sấu vào ngâm cùng trong vòng 3 – 5 ngày là có thể dùng.
5. Canh gừng chay
Canh gừng chay, nghe lạ nhưng cũng vô cùng dễ làm. Món ăn này đặc biệt phù hợp cho những bạn ăn chay trường hoặc ăn chay vào ngày lễ. Không chỉ ngon ngọt mà còn giúp cả nhà tăng sức khỏe, chống lại bệnh tật trong mùa dịch này.
Nguyên liệu:
Gừng: 50g
Nấm hương (dùng tươi hoặc khô đều được): 300g
Đậu phụ: 2 miếng
Cà rốt: 1 củ
Gia vị: nước mắm, hành tím, hành lá
Cách chế biến:
Sơ chế gừng: cạo sạch vỏ rồi thái sợi.
Gọt vỏ cà rốt, cắt thành lát hình tròn hoặc hình bông hoa.
Nấm hương tươi thì rửa sạch, cắt bỏ gốc hoặc nếu dùng nấm tươi thì ngâm nước muối cho nở mềm rồi cũng cắt gốc nấm.
Cắt đậu phụ thành miếng vuông vừa ăn.
Hành tím băm nhỏ rồi phi thơm cùng gừng thái sợi. Sau đó cho lượng nước theo khẩu phần ăn. Nước sôi, cho cà rốt cùng nấm hương vào hầm trước.
Khi cà rốt chín mềm, nêm nếm gia vị rồi cho đậu phụ vào. Đun thêm khoảng 5 phút nữa, thấy sôi thì tắt bếp.
Trước khi dùng, bạn có thể trang trí thêm cho bát canh thêm phần hấp dẫn bằng hành lá nhé.
6. Chè nếp gừng
Chè gừng, một món ăn đặc biệt của vùng quê Việt Nam cũng là 1 món ăn dễ làm mà ăn lại cực ngon. Để thực hiện món này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau:
Gạo nếp: 200g
Gừng: 50g
Đường vàng
Cách chế biến:
Vo sạch gạo nếp, ngâm gạo trong khoảng 1 – 2 tiếng để gạo nở mềm.
Gừng rửa sạch, cạo vỏ, một nửa thái sợi 1 nửa băm nhỏ. Phần gừng băm nhỏ thì hòa cùng nước lọc để lấy nước cốt.
Nấu chín gạo nếp, lưu ý khi cho nước nấu chỉ cần đo lượng nước chạm tới đốt ngón tay thứ 3 là được. Trong quá trình đun, thỉnh thoảng mở nắp đảo đều.
Khi gạo đã chín tới sau 1 tiếng, thêm nước cốt gừng vào đun cùng. Kế đến thêm đường vào khuấy đều tới khi tan. Đợi chè sôi thì tắt bếp và dùng món.
7. Trà gừng mật ong
Từ xa xưa, trà gừng đã là một trong những bài thuốc hỗ trợ điều trị cảm lạnh hữu hiệu. Một tách trà gừng thơm thơm dịu, hơi hăng cay hòa quyện cùng vị ngọt của mật ong sẽ giúp làm ấm cơ thể của bạn, tăng sức đề kháng khỏi các loại virus và trị cảm lạnh vô cùng hiệu quả đó. Học ngay cách pha trà gừng mật ong nhé!
Nguyên liệu:
Gừng: 50gr
Nước đun sôi: 300ml
Mật ong: 2 – 3 muỗng cà phê
Cách chế biến:
Cạo sạch vỏ gừng, cắt thái lát mỏng.
Cho gừng vào ly nước lọc đun sôi, chờ khoảng 5 – 7 phút để gừng ngấm nước.
Cho thêm 1 - 2 muỗng mật ong trước khi uống tùy theo khẩu vị.
Nếu không có thời gian để làm gừng tươi thì bạn cũng có thể sử dụng trà gừng túi lọc Ngọc Thảo để pha trà gừng nhé! Đây là sản phẩm rất tốt được chế biến từ gừng nguyên chất 100% nên bạn hoàn toàn yên tâm là nguồn dinh dưỡng trong đó vẫn được bảo đảm.